Tai nạn liên tiếp phơi bày điểm yếu chí mạng của KQ Trung Quốc: Cái giá phải trả cho tham vọng ngút trời?

Những vụ tai nạn liên tiếp

Các trục trặc về động cơ và tình trạng không được huấn luyện đầy đủ được xác định là nguyên nhân chính dẫn tới 2 tai nạn xảy ra với Không quân Trung Quốc chỉ trong hơn 1 tuần – một trong số đó đã khiến 3 lính không quân thiệt mạng.

Trong số những trường hợp tử vong do các vụ tai nạn trên có 1 phi công trực thăng từng tham gia lễ duyệt binh Quốc khánh của Trung Quốc hồi đầu tháng này.

Tai nạn chết người đã xảy ra vào khoảng 3 tuần trước tại tỉnh Hà Nam, trong đó chiếc trực thăng vận tải đã rơi xuống, khiến toàn bộ 3 người trên khoang thiệt mạng.

Tai nạn liên tiếp phơi bày điểm yếu chí mạng của KQ Trung Quốc: Cái giá phải trả cho tham vọng ngút trời? - Ảnh 1.

Lễ tưởng niệm phi công Trung Quốc hy sinh được tổ chức tại Tân Dã. Ảnh: SCMP

Đài truyền hình địa phương công bố danh tính của 2 trong số 3 người thiệt mạng, bao gồm phi công Gong Dachuan 33 tuổi và kỹ sư Wen Weibin 37 tuổi. Danh tính nạn nhân còn lại, được tiết lộ thông qua một website tưởng niệm online, là Luo Wei, đến từ Lô Châu, Tứ Xuyên.

Buổi tượng niệm phi công Gong đã được chính quyền địa phương tổ chức tại huyện Tân Dã vào thứ Ba tuần trước.

" 3 thành viên đang tiến hành một số bài kiểm tra trên chiếc trực thăng (vào lúc tai nạn xảy ra) " – Một nguồn tin địa phương cho hay, nhưng từ chối tiết lộ vị trí xảy ra vụ tai nạn, cũng như thông tin về cuộc thử nghiệm.

Các báo cáo từ truyền thông cho biết phi công Gong từng tham gia vào lễ duyệt binh mừng Quốc khánh vừa qua của Trung Quốc, trong khi Wen đã góp mặt trong lễ duyệt binh năm 2015 khi Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật trong Thế chiến II.

Cả 3 quân nhân thiệt mạng đều được công nhận là liệt sĩ.

Vụ tai nạn thứ 2 xảy ra 8 ngày sau đó tại Tây Tạng, trong đó một chiếc tiêm kích J-10 đã đâm vào núi khi đang thực hiện bài diễn tập bay ở độ cao thấp.

" May mắn là phi công đã nhảy thoát ra ngoài kịp thời, nhưng chiếc J-10 đã đâm vào núi " – Một nguồn tin cho biết, nhưng yêu cầu giấu tên do vẫn chưa có thông báo chính thức về vụ tai nạn được đưa ra.

"Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy vụ tai nạn có liên quan đến động cơ AL-31 (do Nga sản xuất) trên chiếc J-10 " – Nguồn tin cho hay.

Giới phân tích quân sự nhận định, Không quân Trung Quốc cần tăng cường độ bền cho máy bay và nâng cao chất lượng đào tạo phi công.

Chất lượng máy bay chưa đảm bảo

Chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong cho rằng, các vấn đề về động cơ và hệ thống điều khiển bay cũng là những nguyên nhân chính dẫn tới một số vụ tai nạn nghiêm trọng.

Trước đó, vào tháng 4/2016, hai chiếc J-15 của Trung Quốc đã gặp nạn khiến 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng. Kết quả điều tra hai vụ tai nạn đã cho thấy nhiều vấn đề với hệ thống điều khiển bay.

Theo thống kê của SCMP, trong giai đoạn 2016-2017, có ít nhất 4 tai nạn liên quan đến tiêm kích J-15.

Tai nạn liên tiếp phơi bày điểm yếu chí mạng của KQ Trung Quốc: Cái giá phải trả cho tham vọng ngút trời? - Ảnh 2.

Tiêm kích J-15 của Trung Quốc gây thất vọng lớn khi liên tiếp gặp tai nạn. Ảnh: Xinhua

Mặc dù thành công trong việc tìm ra các bí mật thiết kế và kỹ thuật của một số loại máy bay nước ngoài nhưng Trung Quốc vẫn gặp khó khăn với chương trình sản xuất động cơ tiên tiến, vốn đòi hỏi trình độ cơ khí chính xác cao và những kiến thức chuyên sâu về khoa học vật liệu - điều mà Trung Quốc đang thiếu.

Chuyên gia Wu Shang-Su tại Viện các nghiên cứu quốc tế, trường S. Rajaratnam nhận định, việc sử dụng các loại máy bay đời cũ, chẳng hạn như chiếc Tu-154 từ những năm 1990, trong các nhiệm vụ hàng hải tầm xa đã cho thấy Trung Quốc thiếu tự tin để triển khai các mẫu máy bay mới của họ thực hiện các nhiệm vụ tương tự.

Vấn nạn tham nhũng

Một thách thức khác đối với Không quân Trung Quốc là tình trạng tham nhũng tràn lan trước đây ảnh hưởng đến chất lượng của các chương trình chế tạo chiến đấu cơ.

Arthur Ding, chuyên gia tại Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao Trung Quốc tại Đài Loan cho biết có nhiều báo cáo cho thấy Thượng tướng Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (từng là người phụ trách cơ quan nghiên cứu và phát triển của quân đội nước này) đã nhận "những khoản hối lộ khổng lồ" từ ngành công nghiệp quốc phòng.

Quách Bá Hùng bị kết án chung thân năm 2016 với tội danh nhận hối lộ và tham nhũng.

" Nếu các báo cáo này là đúng, công nghệ và chất lượng của những khí tài như chiến đấu cơ có thể không đáp ứng yêu cầu của quân đội và điều này phần nào lý giải tỷ lệ tai nạn của không quân cao đến vậy " – ông Ding nói.

Áp lực từ nhiệm vụ

Ngoài các vấn đề về động cơ máy bay và tham nhũng, giới chuyên gia đồng tình rằng yếu tố lớn nhất góp phần làm tăng tỷ lệ tai nạn của quân đội Trung Quốc là họ đang được giao phó ngày càng nhiều nhiệm vụ với hình thức đa dạng hơn, đòi hỏi cao hơn, bên cạnh việc gia tăng đáng kể khí tài và quân số.

Kể từ cuối năm 2017, Không quân Trung Quốc đã thực hiện các đợt tuần tra xung quanh đảo Đài Loan bằng chiến đấu cơ, máy bay ném bom và máy bay trinh sát. Theo đại diện Không quân Trung Quốc, những chuyến bay như vậy trở thành "thông lệ mới".

Bên cạnh đó, hình ảnh do đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV công bố còn cho thấy Bắc Kinh muốn "thông lệ hóa" các đợt triển khai máy bay chiến đấu tới Biển Đông, thông qua các cơ sở không quân và hải quân mà nước này xây dựng trái phép trên các đảo ở đây.

Tai nạn liên tiếp phơi bày điểm yếu chí mạng của KQ Trung Quốc: Cái giá phải trả cho tham vọng ngút trời? - Ảnh 3.

Thêm máy bay, thêm nhiệm vụ, đồng nghĩa với tỷ lệ tai nạn sẽ tăng cao. Đây là hiện thực mà Không quân Trung Quốc phải đối mặt. Ảnh: China Daily

Để thực hiện một lượng lớn nhiệm vụ tầm xa như vậy, trang bị của Không quân Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể. Theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu RAND, tính đến năm 2017, Trung Quốc đã có hơn 700 máy bay chiến đấu thế hệ 4 – một con số quá "khủng" so với 24 chiến đấu cơ trong trang bị của họ năm 1996.

Trong khi đó, theo số liệu của Global Firepower, Trung Quốc có tổng cộng 3.000 máy bay các loại, bằng số máy bay của cả Nhật và Hàn gộp lại.

" Thêm máy bay, thêm quân số, thêm nhiệm vụ, huấn luyện nhiều hơn và đòi hỏi cao hơn – đây là tất cả những yếu tố có thể dẫn đến tỷ lệ tai nạn tăng cao " – ông Jon Grevatt, chuyên gia phân tích công nghiệp quốc phòng châu Á-TBD trên ấn phẩm quân sự HIS Jane cho hay.

" Một trong những hệ quả của việc gia tăng những nhân tố trên là tai nạn nhiều hơn, nhưng đây là thực tế mà tất cả các quân đội trên thế giới đều gặp phải" – ông Grevatt nói.

Đề cập tới 2 vụ tai nạn mới đây, một số nguồn tin quân sự cho biết, Không quân Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc diễn tập theo lời kêu gọi của Chủ tịch nước Tập Cận Bình để nâng cao khả năng "sẵn sàng chiến đấu" trong quân đội. Việc số vụ tai nạn gia tăng khi tần suất huấn luyện gia tăng đã làm bộc lộ nhiều vấn đề về kỹ thuật và tình trạng không được huấn luyện đầy đủ.

" Nếu những vấn đề này không được giải quyết thì có thể dự đoán rằng nhiều vụ tai nạn hơn sẽ xảy ra trong tương lai do giới chức cấp cao đang thúc đẩy thêm nhiều cuộc tập trận và diễn tập trên toàn quân " – một nguồn tin thân cận với Không quân Trung Quốc cho hay.

Bên cạnh đó, trao đổi với SCMP, một nguồn tin từ Không quân Trung Quốc cho biết, không giống như phi công Mỹ, phi công Trung Quốc thường không được huấn luyện đầy đủ về kỹ thuật hàng không điện tử và có rất ít kinh nghiệm bay trước khi tòng quân.

" Các phi công Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm như các phi công Mỹ, nhiều phi công của Mỹ từng rất dày kinh nghiệm bay dân sự trước khi gia nhập quân đội " – Nguồn tin cho hay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Giới thiệu các kênh truyền thông của Dịch thuật Bình Dương

Trai đẹp 17 tuổi xuất chúng giữa đại dịch: Tự làm website chống Covid-19 siêu hot, không thèm nhận 200 tỷ tiền quảng cáo

Dịch thuật công chứng tư pháp tại Quảng Ninh